Xem thêm

Phân biệt 6 phân khúc và các dòng xe ô tô tại Việt Nam

CEO Long Timo
Khi nghe nhắc tới các dòng xe ô tô như Sedan, SUV, Coupe... bạn có hiểu ý nghĩa của những từ này không? Nếu nắm được hết thì chắc hẳn bạn cũng đã bỏ công...

Khi nghe nhắc tới các dòng xe ô tô như Sedan, SUV, Coupe... bạn có hiểu ý nghĩa của những từ này không? Nếu nắm được hết thì chắc hẳn bạn cũng đã bỏ công tìm hiểu về xe hơi rồi. Còn nếu chưa thì cũng không sao. Hãy tham khảo tiếp, bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu các dòng xe ô tô thông tin bổ ích và thú vị.

Ở đây tôi chỉ phân biệt các dòng xe ô tô chở người - tiếng Anh gọi là "car" (chỉ riêng có dòng xe bán tải không thuộc khái niệm này). Việc phân chia xe hơi thành các dòng xe chủ yếu dựa vào kết cấu thân xe. Trước hết cần nói qua một chút về…

Phân loại phân khúc các dòng xe hơi

Các dòng xe ô tô phổ biến tại Việt Nam

Khi đề cập tới các loại xe ô tô, có thể bạn đang nghĩ về công dụng (xe con, xe tải), dòng xe (sedan, SUV...), hay hạng xe (phân khúc A, B, C...), loại hộp số (số sàn, số tự động). Nghĩa là tùy theo cách phân loại mà hiểu ta đang nói tới loại xe nào.

Giờ khi ra đường tôi thấy tất cả các dòng xe ô tô: từ xe con, xe tải, xe khách, xe container, xe cẩu, xe rác…

Riêng ô tô con (xe dành để chở người) cũng có bao nhiêu là loại, với hình dáng, kích thước, kết cấu, công dụng khác nhau. Đúng là nhiều lúc hơi rối. Thế nên tôi cũng thử tìm hiểu sâu một chút về cách phân loại xe hơi xem sao.

Vậy có các dòng xe hơi nào?

Thực ra cũng khó có câu trả lời mang tính thấu đáo, toàn diện. Việc gọi tên một loại xe là để phục vụ một mục đích nào đó, hoặc cũng có khi chỉ là thói quen của người dùng, lâu ngày thành quen… Thêm một thực tế là trên thế giới cũng có nhiều cách phân chia. Các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Nhật, Úc… lại cũng có cách phân loại riêng của họ.

Thế nên việc phân loại trong bài viết này cũng chỉ có ý nghĩa tương đối, và có xét trên bối cảnh ở Việt Nam. Nếu bạn muốn tìm hiểu tổng quát hơn, thì có thể tham khảo chi tiết trong trang Wikipedia.

Và đây là các cách phân loại xe mà tôi thường thấy ở Việt Nam ta…

1. Các dòng xe hơi theo công dụng

  • Xe con (xe du lịch): xe 5 chỗ, xe 7 chỗ…
  • Xe khách: loại 25 chỗ, 50 chỗ…
  • Xe bán tải: loại chở 2-4 chỗ, cùng hàng hóa
  • Xe tải (chở hàng): xe tải nhỏ, xe tải lớn
  • Xe chuyên dùng: xe chở rác, xe cẩu, xe trộn bê tông… (và cả xe đồ chơi nữa 🙂)

Chi tiết cách phân loại này được quy định trong Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7271:2003 (sửa đổi 1 và 2)

2. Các dòng ô tô theo kích thước

Đây là cách phân loại dựa vào kích cỡ xe (cũng được sử dụng ở Mỹ)

  • Hạng xe nhỏ (Mini)
  • Hạng xe nhỏ gọn (Compact)
  • Hạng xe trung (Midsize)
  • Hạng xe lớn (Large)

3. Theo loại nhiên liệu sử dụng

  • Xe sử dụng động cơ xăng
  • Xe sử dụng động cơ diesel
  • Xe sử dụng động cơ điện
  • Xe sử dụng xăng kết hợp với điện (Hybrid)

4. Theo số chỗ ngồi (ôtô con)

  • Xe 2 chỗ
  • Xe 4-5 chỗ
  • Xe 7 chỗ
  • Xe 12; 15 chỗ v.v…

5. Các dòng xe ô tô con - theo kết cấu thân xe

Theo cách này, bạn có thể thấy người ta chia thành các dòng xe như sau:

  • Sedan
  • Hatchback
  • Xe SUV - xe thể thao đa dụng
  • Crossover - xe lai đa dụng
  • MPV - dòng xe đa dụng
  • Coupe - dòng xe thể thao
  • Convertible - dòng xe mui trần
  • Pickup - dòng xe bán tải
  • Limousine - dòng xe sang

6. Các dòng xe hơi theo chiều dài xe

Cách này dựa theo tiêu chuẩn của châu Âu, phân loại xe thành các hạng A, B, C… căn cứ vào chiều dài và kích thước xe.

Ở Việt Nam, tôi cũng hay thấy trên báo chí hay truyền hình nói về các phân khúc xe hạng B, hạng C… khi giới thiệu hay đánh giá một mẫu xe nào đó. Khi tìm hiểu thêm, mới biết các phân khúc chia chủ yếu theo chiều dài xe. Tuy vậy, sự khác nhau giữa các phân khúc cũng không được rạch ròi về con số. Tôi chưa tìm được tài liệu định nghĩa chính xác về mỗi phân khúc, ít nhất là về kích thước và số chỗ ngồi. Thế nên tôi tạm lấy theo số liệu phổ biến trên internet vậy.

Dưới đây là các loại xe ô tô trong từng phân khúc:

  • Hạng A - xe mini (mini cars): ngắn hơn 3,6m, thường là xe 2 chỗ, có thể 4 chỗ (vd: Daewoo Matiz, Kia Morning)
  • Hạng B - xe nhỏ (small cars): dài 3,6-3,9m (vd: Ford Fiesta, Hyundai i20, Toyota Yaris)
  • Hạng C - xe vừa (medium cars): dài 3,9-4,4m (vd: Ford Focus, Honda Civic, Kia Forte, Chevrolet Cruze)
  • Hạng D - xe lớn (large cars): dài 4,4-4,7m (vd: Ford Mondeo, Toyota Camry, Honda Accord)
  • Hạng E - xe "cán bộ" (executive cars): dài 4,7-5,0m (vd: Mercedes E-Class, BMW Serie 5, Audi A6)
  • Hạng F - xe sang (luxury cars): dài trên 5m (vd: Mercedes S-Class, BMW Serie 7, Audi A8)

Ngoài ra có mấy hạng khác không theo chiều dài xe:

  • Hạng M (Multi Purpose Cars - MPC): cho dòng xe đa dụng như Toyota Innova, Mitsubishi Grandis
  • Hạng J (Sport Utility Cars): xe SUV như Ford Escape, Toyota Land Cruiser
  • Hạng S (Sport Coupes): dòng xe coupe thể thao

Chỉ tính sơ sơ như vậy thì cũng có rất nhiều các loại xe ô tô rồi, phải không bạn? Tất nhiên, nếu đi sâu hơn thì còn nhiều thứ phức tạp hơn, nhưng có lẽ để dành cho những người muốn đào sâu nghiên cứu.

Theo tôi biết, cho dù dựa vào các tiêu chí trên (hoặc nhiều hơn nữa), việc phân biệt các dòng xe nhiều khi cũng không thật sự rõ ràng. Các hãng xe liên tục cải tiến, đưa ra những mẫu xe mới để phục vụ người dùng. Thành ra, sẽ luôn có những model phá cách, không theo đặc điểm chuẩn của các dòng xe truyền thống. Vì thế mới dễ xảy ra tranh luận về một mẫu xe nào đó không biết nên xếp vào dòng xe Sedan hay Coupe, SUV hay Crossover…

Nói cách khác, vệc phân chia mang tính chất tương đối mà thôi. Trên cơ sở những đặc trưng chủ yếu của từng dòng xe hơi mà xếp loại từng mẫu xe, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, phá cách.

Và bây giờ, chúng ta cùng xem nội dung chính về…

Phân loại các dòng xe ô tô tại Việt Nam​

1. Sedan

Đây là dòng xe phổ biến nhất hiện nay, cứ gọi là chạy đầy đường. Xe Sedan phù hợp với nhiều đối tượng, dùng cho gia đình, văn phòng, cho thuê, hay cho các doanh nhân thành đạt…

Toyota Camry là điển hình của dòng xe Sedan

Đặc điểm chính của dòng xe Sedan:

  • Thân xe có 3 khoang riêng biệt: khoang máy (ca-pô), khoang người ngồi, và khoang hành lý (cốp); tạo cảm giác cân đối hài hòa.
  • Gầm xe thấp (dưới 20cm)
  • Có 4 cửa (một số xe kiểu mới có 2 cửa)
  • Có 4-5 chỗ ngồi

Ví dụ điển hình của dòng xe sedan là những mẫu xe rất thông dụng như Toyota Camry, Honda Civic, Kia K3…

2. Các dòng xe oto Hatchback

Là dòng xe kết hợp giữa Sedan và Coupe nhưng có 1 cửa mở phía sau, và một số đặc trưng cơ bản:

Xe Ford Fiesta hatchback

  • Khoang hành lý nằm cùng khoang hành khách; hàng ghế sau có thể gập xuống để tăng không gian chứa đồ. Vì thế nhiều người gọi nôm na đó là loại xe "đuôi cụt".
  • Gầm xe thấp (giống Sedan)
  • Thường có 3 hoặc 5 cửa: nắp cốp đựng hành lý đồng thời là cửa thứ 3 (hoặc thứ 5)
  • Có 4-5 chỗ ngồi

Xe hatchback thường gặp ở Việt Nam: Toyota Yaris, Ford Fiesta, Kia Morning, Hyundai Grand i10

3. SUV - xe thể thao đa dụng

Xe Toyota Land Cruiser

SUV viết tắt của cụm từ Sport Utility Vehicle, nghĩa là xe hơi thể thao đa dụng, với những đặc điểm chính:

  • Dẫn động 4 bánh (còn gọi là xe 2 cầu)
  • Gầm cao, khả năng chạy nhiều loại địa hình
  • Khung xe kết cấu tương tự như xe tải (body on frame)
  • Thiết kế đơn giản, vuông vắn, khỏe khoắn
  • 5 cửa, khoang hành lý liền với khoang hành khách.

Ví dụ về xe dòng SUV: Toyota Land Cruiser, Toyota Fortuner, Ford Everest, Mitsubishi Pajero, Land Rover Range Rover.

4. Các dòng ô tô Crossover

Dòng xe này có hình dáng và nhiều đặc điểm gần giống với SUV, nhưng nhỏ hơn, gầm thấp hơn, và có thiết kế mềm mại nhưng phức tạp hơn.

Honda CR-V là xe Crossover điển hình

Có thể nói Crossover là sự kết hợp những đặc điểm của SUV (gầm cao, dẫn động 4 bánh), và Sedan (thiết kế phức tạp, nội thất nhiều tính năng cho hành khách).

Trên thực tế, các hãng thiết kế SUV và Crossover có nhiều điểm gần giống nhau. Vì thế ở Việt Nam ta, nhiều người vẫn quen gọi xe Crossover là SUV và người khác vẫn hiểu và chấp nhận được cách gọi này.

Những dòng xe Crossover phổ thông mà các bạn có thể gặp hàng ngày như: Toyota Venza, Toyota RAV-4, Honda CR-V, Hyundai Tucson, Mazda CX-5, Mitsubishi Outlander, Lexus RX350, Hyundai Santa Fe.

5. MPV / Minivan - xe đa dụng

Đây là dòng xe đa dụng phù hợp với nhu cầu gia đình, với ưu điểm chở nhiều người và có không gian chứa đồ linh hoạt.

Dòng xe MPV Toyota Innova

Đặc điểm nổi bật của dòng MPV gồm:

  • Đa dụng, có khả năng chuyển đổi giữa chở người và chở hàng hóa bằng cách gập hàng ghế sau lên xuống
  • Gầm cao hơn xe Sedan và Hatchback, nhưng thấp hơn xe SUV hay Crossover
  • Thường có 5-7 chỗ
  • Phần capo khá ngắn, thân xe thuôn dài để tăng không gian chuyên chở

Ví dụ xe Minivan / MPV gồm: Toyota Innova, Mazda 5, Kia Carens, Mitsubishi Grandis, Madza Premacy.

6. Coupe - xe thể thao

Đây là dòng xe thể thao, mạnh mẽ cả về hình dáng, động cơ, và tiếng nổ. Như tôi để ý thì dòng xe này ở Việt Nam chưa phổ biến lắm, được thấy qua phim ảnh, báo chí là nhiều. Và đây là những đặc điểm nổi bật của dòng xe thể thao:

Dàn xe thể thao trên đường phố Sài Gòn

  • Dáng thể thao, mui kín cố định (không xếp lại được), tiếng bô nổ nghe giòn vang
  • Có 2 cửa (gần đây có xuất hiện một số xe Coupe 4 cửa: audi a7, Mercedes-Benz CLS)
  • Có 2 chỗ ngồi (hoặc 2+2 chỗ, với 2 ghế phụ nhỏ phía sau có thể tích nhỏ hơn 0,93m3 hay 33ft3).
  • Đuôi xe ngắn, mui dài
  • Không có cột B (cột ở giữa thân xe)

Ví dụ xe Coupe: Audi TT, Mercedes GLE 450 AMG, BMW Series 4 Coupé, Hyundai Veloster

7. Convertible - xe mui trần

Xe mui trần Audi R8 Spyder4

Giống xe Coupe nhưng có khả năng mở mui phía trên thành mui trần. Mui có dạng bằng vải mềm, hoặc mui cứng xếp gọn trong cốp sau. Dòng xe này ở Việt Nam cũng chưa phổ biến lắm (đường của ta thì xe mui trần mà hít bụi à?!).

Ví dụ xe mui trần: Lamborghini Aventador, Lexus 250IC

8. Pickup - xe bán tải

Dạng xe này kết hợp giữa xe tải nhỏ và xe gia đình: có thể vừa chở người vừa chở hàng rất tiện lợi. Gần đây, tôi thấy dòng này ngày càng thông dụng.

Xe bán tải Mazda BT 50

Đặc điểm nổi bật của dòng Pickup gồm:

  • Dáng vẻ mạnh mẽ
  • Thùng chở hàng phía sau, ngăn riêng với khoang hành khách
  • Khung gầm cao tương tự xe tải, thiết kế phù hợp nhiều loại địa hình

Ví dụ: Ford Ranger, Nissan Navara, Mitsubishi Triton, Chevrolet Colorado.

9. Limousine

Dạng xe này hay thấy trong phim Mỹ dành cho giới thượng lưu, hay chính khách. Ở Việt Nam gần đây cũng xuất hiện một số xe này của các "đại gia". Xe này còn hay được gọi tắt là "limo", và có một số điểm gần giống sedan (gầm thấp, 3 khoang riêng biệt), nhưng có một số đặc trưng riêng:

Ngắm xe Limousine ở Việt Nam

  • Thân xe kéo dài, nhiều cửa sổ
  • Có vách ngăn giữa khoang lái và khoang hành khách
  • Nội thất sang trọng, xa hoa

Em này thân dài trong số các dòng xe ô tô, chắc rất khó vận hành trong điều kiện đường xá Việt Nam. Ở Hải Phòng, tôi thỉnh thoảng thấy có 1 xe hay đậu gần CPN Lê Hồng Phong (tôi quên chưa chụp ảnh :).

Kể được đi một lần trên mấy dòng xe sang thế này cũng là một trải nghiệm tuyệt phải không bạn? Đến đây, tôi xin kết thúc bài viết về các dòng xe ô tô phổ biến. Hy vọng bạn đọc tìm thấy thông tin bổ ích.

1