Tin về xe

Phí bảo trì đường bộ: Đối tượng, mức phí, thời gian và thủ tục

CEO Long Timo

Nhắc đến phí bảo trì đường bộ, chúng ta không thể không nhắc đến một loại phí quan trọng mà chủ phương tiện cần phải đóng để đảm bảo sự bảo trì và nâng cấp...

Nhắc đến phí bảo trì đường bộ, chúng ta không thể không nhắc đến một loại phí quan trọng mà chủ phương tiện cần phải đóng để đảm bảo sự bảo trì và nâng cấp đường bộ. Điều này nhằm phục vụ cho các phương tiện đã đóng phí lưu thông. Khi nộp phí bảo trì đường bộ, xe của bạn sẽ được dán tem vào kính chắn gió phía trước. Để hiểu rõ hơn về đối tượng nộp phí, mức phí và thủ tục thực hiện, hãy cùng tìm hiểu chi tiết nhé!

Phí bảo trì đường bộ là gì?

Phí bảo trì đường bộ là một khoản phí mà các chủ phương tiện xe ô tô phải đóng nhằm mục đích bảo trì và nâng cấp đường bộ để phục vụ các phương tiện đã đóng phí lưu thông. Sau khi chủ phương tiện nộp phí bảo trì đường bộ, xe sẽ được dán tem vào kính chắn gió phía trước. Trên tem sẽ ghi rõ ngày hết hạn để chủ xe nộp phí lần tiếp theo.

Đối tượng phải nộp phí bảo trì đường bộ

Theo quy định tại Thông tư 70/2021/TT-BTC, tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng hoặc quản lý phương tiện thuộc đối tượng chịu phí theo quy định tại Thông tư 70/2021/TT-BTC là người nộp phí sử dụng đường bộ. Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ bao gồm các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký, kiểm định để lưu hành, bao gồm xe ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự.

Lưu ý: Dù là phương tiện cá nhân hay tổ chức, cũng cần phải chịu cùng một mức biểu phí tương tự cho cùng loại xe. Phí đường bộ sẽ phụ thuộc vào số chỗ ngồi đối với xe du lịch và xe bán tải, trong khi phí bảo trì đường bộ xe tải dựa vào tải trọng xe.

Đối tượng được miễn phí bảo trì đường bộ

Các phương tiện được miễn phí bảo trì đường bộ được quy định trong Thông tư 70. Gồm có xe cứu hỏa, xe cứu thương, xe phục vụ tang lễ, xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng (có gắn thiết bị chuyên dụng cho quốc phòng, mang biển số nền đỏ, chữ và số màu trắng dập chìm), xe chuyên dùng phục vụ công tác an ninh của các lực lượng công an (bao gồm xe ô tô tuần tra kiểm soát giao thông của cảnh sát giao thông, xe ô tô cảnh sát 113, xe ô tô cảnh sát cơ động, xe ô tô vận tải chở lực lượng công an, xe đặc chủng chở người phạm tội, xe cứu hộ, cứu nạn, xe mô tô của lực lượng quốc phòng, công an, xe mô tô của người thuộc các hộ nghèo theo quy định của pháp luật về hộ nghèo).

Bên cạnh đó, xe ô tô không phải chịu phí bảo trì đường bộ trong các trường hợp sau:

  • Bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai.
  • Bị tịch thu hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe.
  • Bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở nên.
  • Xe kinh doanh vận tải thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên.
  • Xe ô tô của doanh nghiệp không tham gia giao thông, không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ, chỉ sử dụng trong phạm vi Trung tâm sát hạch lái xe, nhà ga, cảng, khu khai thác khoáng sản, nông, lâm, ngư nghiệp, công trường xây dựng.
  • Xe đăng ký, đăng kiểm tại Việt Nam nhưng hoạt động tại nước ngoài, liên tục từ 30 ngày trở lên.
  • Xe ô tô bị mất trộm trong thời gian từ 30 ngày trở lên.

Lưu ý: Trong trường hợp các xe ô tô không phải chịu phí nếu có đủ hồ sơ đáp ứng các quy định tại Thông tư, khi xe đã nộp phí sử dụng đường bộ, chủ phương tiện sẽ được trả lại số phí đã nộp hoặc được trừ vào số phí phải nộp của kỳ sau tương ứng thời gian không sử dụng đường bộ.

Quy định mức phí bảo trì đường bộ mới nhất 2023

Kể từ ngày 01/10/2021, theo Thông tư số 7/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, quy định rõ về chế độ thu, mức thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí đường bộ. Các mức thu phí sử dụng đường bộ được thực hiện như sau:

Biểu mức thu phí sử dụng đường bộ (Ban hành kèm Thông tư 70/2021/TT-BTC)

STT Loại phương tiện chịu phí Mức thu (nghìn đồng)
1 Xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân, hộ kinh doanh 130
2 Xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe quy định tại điểm 1); xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ dưới 4.000 kg; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng 180
3 Xe chở người từ 10 chỗ đến dưới 25 chỗ; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 4.000 kg đến dưới 8.500 kg 270
4 Xe chở người từ 25 chỗ đến dưới 40 chỗ; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 8.500 kg đến dưới 13.000 kg 390
5 Xe chở người từ 40 chỗ trở lên; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 13.000 kg đến dưới 19.000 kg; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo đến dưới 19.000 kg 590
6 Xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg 720
7 Xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 27.000 kg trở lên; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 27.000 kg đến dưới 40.000 kg 1.040
8 Xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40.000 kg trở lên 1.430

Thời gian nộp phí bảo trì đường bộ

Thời gian nộp phí bảo trì đường bộ được quy định tại Điều 6 Thông tư 70/2021/TT-BTC như sau:

1. Nộp theo chu kỳ đăng kiểm

  • Đối với xe ô tô có chu kỳ đăng kiểm từ 1 năm trở xuống: Chủ phương tiện nộp phí sử dụng đường bộ cho cả chu kỳ đăng kiểm và được cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí.
  • Đối với xe ô tô có chu kỳ đăng kiểm trên 1 năm (18 tháng, 24 tháng và 30 tháng): Chủ phương tiện phải nộp phí sử dụng đường bộ theo năm (12 tháng) hoặc nộp cho cả chu kỳ đăng kiểm (18 tháng, 24 tháng và 30 tháng).

2. Nộp theo năm dương lịch

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nộp phí theo năm dương lịch gửi thông báo bằng văn bản đến đơn vị đăng kiểm và thực hiện nộp phí theo năm dương lịch đối với các phương tiện của mình. Hàng năm, trước ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo, chủ phương tiện phải đến đơn vị đăng kiểm nộp phí cho năm tiếp theo. Khi thu phí, đơn vị đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ cho từng xe tương ứng thời gian nộp phí.

3. Nộp theo tháng

Doanh nghiệp có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng/tháng trở lên được thực hiện nộp phí theo tháng. Doanh nghiệp có văn bản gửi đơn vị đăng kiểm và thực hiện nộp phí đối với các phương tiện của mình. Hàng tháng, trước ngày 01 của tháng tiếp theo, doanh nghiệp phải đến đơn vị đăng kiểm nộp phí cho tháng tiếp theo. Khi thu phí, tổ chức thu phí cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng thời gian nộp phí.

Nộp phí bảo trì đường bộ ở đâu?

Phí bảo trì đường bộ sẽ được đóng theo năm dương lịch hoặc tháng hay theo chu kỳ đăng kiểm của xe. Căn cứ vào quy định tại Điều 4 Thông tư 70/2021/TT-BTC, tổ chức thu phí bảo trì bao gồm Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ trung ương và các đơn vị đăng kiểm. Do đó, bạn có thể đến trạm đăng kiểm xe cơ giới gần nhất để nộp loại phí này. Sau khi đóng phí, chủ phương tiện sẽ được đơn vị đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí.

Thủ tục mua phí bảo trì đường bộ xe ô tô

Để mua phí bảo trì đường bộ và kiểm định xe, bạn cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ kiểm định và nộp phí kiểm định. Bước 2: Đưa xe vào kiểm định. Nếu xe không đạt yêu cầu kiểm định, chủ xe sẽ phải sửa chữa, khắc phục để tiến hành kiểm định lại. Nếu xe đạt yêu cầu kiểm định, chủ xe nộp tờ khai phí sử dụng đường bộ để nhân viên kiểm tra và ký xác nhận. Bước 3: Nộp phí bảo trì đường bộ. Sau khi kiểm tra, nếu tờ khai phí sử dụng đường bộ hợp lệ, nhân viên sẽ tiến hành thu phí sử dụng đường bộ. Sau đó, in biên lai nộp phí sử dụng đường, sổ đăng kiểm, tem nộp phí sử dụng đường bộ, tem đăng kiểm và đóng dấu. Bước 4: Dán tem nộp phí sử dụng đường bộ và tem đăng kiểm. Nhân viên nghiệp vụ trực tiếp dán tem nộp phí sử dụng đường bộ và tem đăng kiểm cho xe ô tô.

Trong trường hợp chủ xe chỉ nộp phí sử dụng đường bộ (không đăng kiểm), chủ xe nộp tờ khai phí sử dụng đường bộ và Giấy đăng ký xe. Sau khi nộp phí, nhân viên sẽ trả biên lai nộp phí và in tem phí sử dụng đường bộ.

Câu hỏi thường gặp

1. Không nộp phí bảo trì đường bộ sẽ bị xử phạt như thế nào? Hiện tại, chưa có quy định về việc xử phạt đối với việc không nộp phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, khi đến thời hạn mang xe đi kiểm định, đơn vị đăng kiểm sẽ truy thu số phí bảo trì đường bộ mà chủ phương tiện chưa nộp trước đó. Vì vậy, dù không bị xử phạt, chủ xe nên đảm bảo nộp phí đúng hạn.

2. Phí bảo trì đường bộ hết hạn có bị phạt không? Trong trường hợp nộp phí bảo trì đường bộ quá hạn, chủ phương tiện sẽ không bị phạt. Tuy nhiên, khi đăng kiểm, cơ quan đăng kiểm sẽ truy thu số phí nộp chậm này.

3. Phí bảo trì đường bộ được sử dụng như thế nào? Theo quy định tại Thông tư 197/TT-BTC, số tiền thu được từ phí bảo trì đường bộ sẽ được sử dụng như sau: một phần trăm được để lại để trang trải chi phí quản lý hoạt động thu phí sử dụng đường bộ, số tiền còn lại được nộp vào tài khoản của Quỹ bảo trì đường bộ trung ương. Cơ quan thu phí cũng sẽ trích lại một số tiền nhất định để trang trải công tác thu phí và trả lại phí đối với các trường hợp không chịu phí quy định tại thông tư.

1